3C với việc chế tạo thiết bị thông minh hỗ trợ sản xuất

Thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Để những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có cơ hội bứt phá trong sản xuất, Công ty TNHH Chế tạo máy 3C (gọi tắt Công ty 3C) đã đồng hành bằng những nghiên cứu và chế tạo các thiết bị thông minh hỗ trợ cho sản xuất.

Giải quyết bài toán lỗ hổng công nghiệp 3.0

Anh Dương Khả Dĩ, kỹ sư phòng sản xuất (Công ty Pepperl Fuchs Việt Nam – chuyên sản xuất cảm biến), cho biết, trước đây công ty thường sử dụng công nhân để lắp ráp cảm biến nên chất lượng sản phẩm và năng suất hạn chế. Mấy năm gần đây, Công ty Pepperl Fuchs Việt Nam đã sử dụng hệ thống robot trong hệ sinh thái Robot 3T (robot công nghiệp cho doanh nghiệp SME) của Công ty 3C để ứng dụng vào quy trình lắp ráp cảm biến. Nhờ đó, quy trình lắp ráp được tự động hóa, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Công ty 3C đã trở thành doanh nghiệp được Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM ký hợp đồng tài trợ thực hiện sản xuất thử nghiệm 6 vật tư và phụ kiện cấu thành nền tảng Robot 3T nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghệ, sáng tạo cho TPHCM. Ngoài ra, đầu năm 2018, hệ sinh thái Robot 3T đã được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học Công nghệ) tài trợ đề tài nghiên cứu, thiết kế và chế tạo robot công nghiệp phục vụ tự động hóa các công đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí SME tại Việt Nam.
Anh Trương Trọng Toại – Giám đốc Công ty 3C, cho biết, nhiều doanh nghiệp SME trong nước có nhu cầu áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất công nghiệp nhưng chi phí nhập khẩu các giải pháp công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam quá đắt đỏ. Đó là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp SME chuyển hướng tự động hóa trong sản xuất. Từ đó, anh và các cộng sự tập trung nghiên cứu các robot được tối ưu hóa các ứng dụng phù hợp với từng lĩnh vực sản xuất, chi phí đầu tư hợp lý, gỡ khó cho bài toán đầu tư mà nhiều doanh nghiệp SME đang vướng phải.

Điều anh Toại trăn trở là hiện thế giới đã bước vào thời đại của công nghiệp 4.0, muốn phát triển, các doanh nghiệp không thể nằm ngoài dòng chảy này. Tuy nhiên, các nước phát triển có nền tảng về công nghiệp 3.0 vững chắc nên nền tảng để ứng dụng tiếp công nghiệp 4.0 rất thuận lợi. Trong khi đó, ở nước ta, các doanh nghiệp SME vẫn sử dụng công nhân để sản xuất, nhiều doanh nghiệp nền tảng công nghiệp 3.0 gần như bằng không, dẫn tới một lỗ hổng rất lớn về công nghệ.

“Nói một cách khách quan, nhiều doanh nghiệp SME trong nước đang ở nền tảng công nghiệp 2.0. Nghĩa là đang sử dụng con người trong sản xuất nên khi phải nhảy vọt lên công nghiệp 4.0 với những nhà máy sản xuất thông minh thì gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều thiết bị nước ngoài nhập về nhưng không sử dụng được do các sản phẩm đa năng, khi áp dụng vào một quy trình sản xuất cụ thể lại không tương thích. Chúng tôi nhận ra những khó khăn đó nên đã chủ động xây dựng nền tảng mở cả về phần cứng và phần mềm, vừa giúp doanh nghiệp chủ động hoàn toàn về công nghệ nền tảng 3.0, vừa tích hợp các công nghệ mới, tiên tiến của công nghiệp 4.0”, anh Toại cho biết.

Mất 3 năm chỉ tập trung nghiên cứu công nghệ nền tảng, đồng thời kết hợp với mạng lưới chuyên gia về robot trong và ngoài nước, đến nay Công ty 3C đã cho ra đời hệ sinh thái Robot 3T với nhiều dòng robot ứng dụng theo từng nhóm ngành, với phương châm đơn giản nhưng vẫn đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của doanh nghiệp. Đơn cử như robot cấp phôi cho máy dập, nếu sản phẩm này nhập từ nước ngoài sẽ có giá từ 15.000 – 30.000 USD/thiết bị, còn sản phẩm của Công ty 3C chỉ từ 3.000 – 5000 USD/thiết bị. Tính ra, doanh nghiệp tiết kiệm được từ 5 – 6 lần chi phí đầu tư so với thiết bị nhập nhưng năng suất cao hơn các sản phẩm nhập khẩu, bởi thiết bị được tối ưu hóa, phù hợp với ứng dụng của từng ngành nghề cụ thể; bên cạnh đó, chất lượng và sự đồng đều của sản phẩm cũng là thế mạnh của hệ sinh thái Robot 3T.

Tăng năng suất và chất lượng

Hiện nay, hệ sinh thái Robot 3T của Công ty 3C không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp SME trong nước mà còn xuất khẩu đến gần 60 quốc gia trên thế giới.

Giữa năm 2016, Công ty 3C tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu hoàn thiện và chế tạo bộ điều khiển độ cao đầu cắt CNC plasma và gas.

Theo anh Trương Trọng Toại, từ nhu cầu của khách hàng đến khi đưa ra được sản phẩm hoàn chỉnh để thử nghiệm là một quy trình hàng chục khâu và phải mất từ 2-3 năm. Chi phí đầu tư cho nghiên cứu cũng rất lớn. Tuy nhiên, nếu không đón đầu được xu hướng thì sản phẩm cũng nhanh chóng bị lỗi thời, do vậy mà yếu tố thời gian đối với những đơn vị công nghệ như Công ty 3C là rất cần thiết. Trong khi đó, lực lượng nhân sự chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ trong nước không nhiều, muốn thực hiện một ý tưởng thì phải kết nối được với mạng lưới chuyên gia trên thế giới.
Là một trong những doanh nghiệp SME tại TPHCM sử dụng bộ điều khiển độ cao đầu cắt CNC plasma vào sản xuất các mẫu cắt trang trí nội thất, đại diện Công ty Cơ khí Mạnh Tiến cho biết, trước đây toàn bộ quy trình sản xuất các mẫu cắt trang trí nội thất đều phải thực hiện thủ công khiến năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm tạo ra không đồng đều. Để cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, Công ty Cơ khí Mạnh Tiến nghĩ đến giải pháp áp dụng công nghệ thông minh. Sau nhiều đắn đo, Công ty Cơ khí Mạnh Tiến đã quyết định tìm đến bộ điều khiển độ cao đầu cắt có trong nước, do Công ty 3C chế tạo và kết quả thu được ngoài mong đợi.

Anh Trương Trọng Toại cho biết, nhu cầu sử dụng các thiết bị máy móc gia công cắt, nhất là cắt những tấm kim loại của các doanh nghiệp chế tạo máy, xây dựng là rất lớn. Song, thời điểm đó, các công ty chế tạo máy trong nước phải nhập khẩu phụ kiện, vật tư để tích hợp vào thiết bị của mình nhưng chi phí đắt đỏ, đội giá thành sản phẩm lên cao. Công ty 3C dưới sự dẫn dắt của PGS -TS Chung Tấn Lâm (Học viện Bưu chính Viễn thông chi nhánh miền Nam) đã nghiên cứu và phát triển để tạo ra vật tư cung cấp cho ngành chế tạo máy cắt CNC tại Việt Nam.

Trước đây, các doanh nghiệp cắt tấm kim loại, sản phẩm thường bị lỗi, chất lượng thấp do vật liệu không có độ phẳng ổn định, phôi thường bị cong, đòi hỏi công nhân phải can thiệp liên tục vào bề mặt phôi, giá thành sản phẩm đưa ra thị trường cao, khó cạnh tranh. Khi tích hợp bộ điều khiển độ cao đầu cắt sẽ giúp máy cắt bám theo độ cong của phôi, độ nhấp nhô của bề mặt vật liệu để cho ra sản phẩm hoàn thiện hơn và đảm bảo an toàn cho người lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Nhờ tính năng vượt trội, bộ điều khiển độ cao đầu cắt CNC plasma và gas được nhiều đơn vị sản xuất máy cắt CNC trong nước sử dụng để lắp đặt vào máy móc thương mại trước khi cung cấp ra thị trường. Giải pháp của Công ty 3C giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí từ 25% – 30%, so với nhập khẩu thiết bị. Ngoài ra, giải pháp này có sẵn nên đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng thử nghiệm cho các sản phẩm của mình, từ đó rút ngắn được thời gian phát triển sản phẩm mới. Đến nay, bộ điều khiển độ cao đầu cắt CNC plasma và gas của Công ty 3C không chỉ có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước mà đã phân phối trên 80 quốc gia, với nhu cầu đặt hàng ngày càng cao.

 

Theo www.sggp.org.vn