Robot3T: Từ bản kế hoạch cá nhân đến tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp

Những năm gần đây khi điểm đến lĩnh vực nghiên cứu chế tạo robot tại Việt Nam người ta không thể không nhắc đến Robot3T và chủ nhân của sản phẩm – anh Trương Trọng Toại. Từ một bản kế hoạch cá nhân khi còn học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, trở về Việt Nam anh Toại đã cho ra đời sản phẩm robot công nghiệp hiện hữu tại Việt Nam và cả thị trường thế giới.

Khởi nghiệp đúng chuyên môn, đam mê và khát khao đóng góp những giá trị cụ thể là những điều mà anh đã chia sẻ với Tự động hóa ngày nay trước thềm năm mới 2021 khi nói về hành trình tạo dựng Robot3T.

Anh Trương Trọng Toại – Người sáng lập Dự án Robot3T

TĐHNN: Trước hết anh có thể cho biết tại sao đặt tên cho sản phẩm của mình là Robot3T?

Anh Trương Trọng Toại: Ý tưởng xây dựng Robot3T (3T tên viết tắt của người sáng lập) được hình thành trong giai đoạn tôi học master về ngành robot phỏng sinh học tại trường Đại học Kỹ thuật Giáo dục Hàn Quốc (Korea University of Technology and Education). Tôi và một người Anh học chung ở phòng thí nghiệm đã vẽ ra 2 bản kế hoạch cá nhân trong 30 năm tới của mỗi người và phản biện chéo cùng nhau trong quá trình thực hiện. Bản kế hoạch của mỗi người đều có lộ trình cụ thể các kết quả đạt được cũng như những giá trị đóng góp cho đất nước.

TĐHNN: Có nhiều nền tảng robot để các nhà khởi nghiệp lựa chọn, vì sao Công ty 3C lựa chọn phát triển nền tảng robot công nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Anh Trương Trọng Toại: Với tôi, xuất phát từ sự hiểu biết về chuyên môn và đam mê là hai yếu tố cơ bản lồng ghép vào nhau để hình thành ý tưởng khởi nghiệp trong ngành robot. Ngoài ra, tôi rất mong muốn được đóng góp những giá trị cụ thể, góp phần giải quyết các vấn đề thách thức của đất nước. Yếu tố thứ ba này đã giúp hình thành được các điều kiện biên của ý tưởng khởi nghiệp hay nói rõ hơn là giúp tôi tìm được lời giải là chọn làm sản phẩm nào, hướng đến thị trường nào.

Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong nước có nhu cầu áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất công nghiệp nhưng chi phí nhập khẩu các giải pháp công nghệ ở nước ngoài về Việt Nam quá đắt, trong khi các sản phẩm công nghệ cao trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng thực tế. Đó là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp SME chuyển hướng tự động hóa trong sản xuất.

Xuất phát từ vấn đề này, tôi muốn phát triển một nền tảng robot công nghiệp cho các SME với tên gọi là Robot3T. Robot3T tập trung vào tối ưu hóa các sản phẩm robot công nghiệp theo từng nhóm ứng dụng với hiệu quả về chi phí và giải pháp công nghệ, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ nâng cao được năng lực sản xuất.

TĐHNN: Robot3T được nghiên cứu chế tạo thành công vào giữa năm 2015, anh có thể cho biết những bước tiến quan trọng của dự án này sau 5 năm ?

Anh Trương Trọng Toại: Robot3T được triển khai từ đầu năm 2015, tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi và nền tảng của robot công nghiệp. Việc làm chủ các công nghệ này giúp Robot3T có nền tảng công nghệ vững chắc và tích lũy năng lực để có thể tạo ra được các sản phẩm sáng tạo và hiệu quả cao, từ đó tạo được lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ cho các sản phẩm robot công nghiệp.

Đầu năm 2019 chúng tôi mới bắt đầu thương mại dòng sản phẩm chính đầu tiên là cánh tay robot công nghiệp tải nhẹ phục vụ cho các ứng dụng thay thế công nhân. Trong 2 năm vừa rồi chúng tôi đã ứng dụng thử nghiệm được trên 100 đơn vị robot công nghiệp cho các SME trong nước, và hiện đang có khoảng 10 cấu hình robot công nghiệp khác nhau.

TĐHNN: Tháng 10/2018 anh gọi được vốn đầu tư 500.000 USD trong chương trình Shark Tank Việt Nam. Đây có được xem là bước ngoặt lớn cho những kết quả của Robot 3T hiện nay?

Anh Trương Trọng Toại: Giá trị đem lại lớn nhất từ chương trình Shark Tank Việt Nam là giúp quảng bá và tiếp cận thêm được nhiều khách hàng và đối tác mới, giúp Robot3T mở rộng thêm được thị trường trong nước. Đây có thể xem là một điểm nhấn trong quá trình phát triển của Robot3T.

TĐHNN: Đến thời điểm này, tỷ lệ % nội địa hóa của robot 3T là bao nhiêu, thưa anh?

Anh Trương Trọng Toại: Tăng dần tỉ trọng nội địa hóa các dòng sản phẩm robot công nghiệp của Robo3T là một mục tiêu quan trọng và xuyên suốt mà chúng tôi đang theo đuổi. Đây lý do chúng tôi triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển một cách bài bản và khoa học với sự hỗ trợ tích cực của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước. Dự án nghiên cứu, thiết kế và chế tạo các dòng robot công nghiệp vận hành trong hệ thống tự động hóa gia công cơ khí trong các doanh nghiệp SME với mục tiêu đạt được tỉ lệ nội địa hóa 70 tới 80% vừa được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nghiệm thu vào tháng 12 năm 2020 và đánh giá cao về các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật của các sản phẩm robot công nghiệp của nền tảng Robot3T.

TĐHNN: Robot3T hiện đang được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực nào ở Việt Nam cũng như thị trường quốc tế?              

Anh Trương Trọng Toại: Các nền tảng Robot3T hướng tới các ứng dụng thay thế công nhân trong các thao tác cơ bản, lặp đi lặp lại với tần suất cao. Sản phẩm của Robot3T đang được ứng dụng nhiều trong công nghiệp điện tử, sản xuất hàng gia dụng, gia công cơ khí, may mặc và giáo dục.

TĐHNN: Với thị phần rất lớn các công ty vừa và nhỏ tại Việt Nam, Robot3T hẳn sẽ tham gia đắc lực vào quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp?

Anh Trương Trọng Toại: Chuyển đổi số và công nghệ robot là hai nền tảng quan trọng cho các giải pháp Sản xuất thông minh và Công nghiệp 4.0 (Smart Manufacturing & Industry 4.0), cũng như làm tăng khả năng sáng tạo và đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt và nhanh chóng yêu cầu của khách hàng và sự thay đổi của thị trường. Hiện nay rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mang hàm lượng giá trị cao về công nghệ luôn cần có sự linh hoạt về thiết kế, mẫu mã và chức năng, đáp ứng tốt sự đa dạng hóa về nhu cầu của khách hàng và thị trường. Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế triển khai các công ty SME còn nhiều giới hạn, với hạn chế về nguồn vốn đầu tư, khả năng và năng lực công nghệ, nên để chuyển đổi được từ giai đoạn tìm hiểu và nghiên cứu sang giai đoạn triển khai thực tế cần một số cố gắng và nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp. Đồng hành cùng SME, Robot3T vẫn không ngừng sáng tạo để đưa ra được thêm nhiều giải pháp mới giải quyết được các rào cản và nút thắt này, đóng góp chung cho quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp SME.

Về khía cạnh phát triển bền vững và tính tác động của dự án, nền tảng Robot3T sẽ tiếp tục từng bước được phát triển và hoàn thiện tại Việt Nam, tích hợp các công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cũng như các giải pháp kết nối vạn vật IoT (Internet of Things), nâng cao độ an toàn, tin cậy và khả năng thông minh cho sản phẩm Robot3T.

Trên cơ sở công nghệ nguồn và hệ sinh thái Robot3T, các ứng dụng cụ thể sẽ được từng bước hoàn thiện và mở rộng phạm vi cho các mảng ứng dụng như Sản xuất thông minh (Smart Manufacturing) và Y học từ xa – Chăm sóc sức khỏe tại nhà (Telehealth & In-home healthcare).

Hình ảnh Robot3T được lắp đặt sử dụng tại doanh nghiệp Việt Nam – Ảnh Robot3T

TĐHNN: Ngày nay nhiều người trẻ cũng rất tâm huyết với khởi nghiệp công nghệ. Anh có chia sẻ gì để tiếp sức cho các bạn trẻ?

Anh Trương Trọng Toại: Việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nào cũng tốt nhưng nếu đúng chuyên môn của mình thì sẽ thuận lợi hơn, không nên chạy theo các xu hướng, phải luôn tỉnh táo và có tầm nhìn thấu đáo về lĩnh vực mình lựa chọn khởi nghiệp. Đối với khởi nghiệp công nghệ thì tính đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn, khả năng sáng tạo sẽ quyết định chúng ta đi được bao xa.

Một vấn đề rất cơ bản nhưng thường chưa được chú ý đúng và đủ là xây dựng kế hoạch và mục tiêu cụ thể trước khi triển khai thực hiện. Nếu kế hoạch và mục tiêu được các chuyên gia và cố vấn hỗ trợ đóng góp và phản biện từ đầu thì sẽ càng có giá trị và tính khả thi cao. Trong quá trình thực hiện có thể xem xét và điều chỉnh mỗi 3 tháng để phù hợp với những sự thay đổi mới. Việc này cần được thực hiện xuyên suốt quá trình triển khai để đảm bảo đạt được các mục tiêu đã đề ra ban đầu và hạn chế bị “mất lái”.

Và khởi nghiệp là một hành trình gian khổ, đầy thử thách. Bản lĩnh trong khởi nghiệp là yếu tố bất cứ bạn nào muốn thành công đều phải rèn luyện. May mắn sẽ đến với chúng ta ở những thời điểm rất then chốt, khi mà chúng ta chứng minh được tài năng và bản lĩnh nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi.

Ký thỏa thuận tài trợ của VinIF cho Dự án phát triển Robot cộng tác – Ảnh Robot3T

TĐHNN: Trở lại với bản kế hoạch cá nhân mà anh và bạn mình đã lập ra cách đây 10 năm, đến thời điểm này anh thấy mình đạt được gì trong bản kế hoạch đó?

Anh Trương Trọng Toại: Hiện nay ngoài thị trường trong nước Công ty Chế tạo máy 3C có doanh thu xuất khẩu tăng trưởng tốt hàng năm. Sản phẩm của công ty hiện đã xuất khẩu ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới như Mỹ, Đức, Canada, Nhật Bản, Mexico, Indonexia, Australia,… Việc xuất khẩu được các sản phẩm đi nhiều quốc gia đóng vai trò quan trọng giúp công ty vượt qua khó khăn do Covid-19. Ở những thời điểm thư vậy, mình mới thấy được giá trị của năng lực công nghệ.

So với kế hoạch ban đầu thì những kết quả hiện tại vẫn còn khá hạn chế, nhưng giúp tôi luôn giữ được động lực và quyết tâm cao để vượt qua nhiều khó khăn và rào cản trong công việc.

Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị trên và chúc Robot3T có thêm nhiều thành công trong năm 2021.

Trà Giang – Tự Động Hóa Ngày Nay