Robot phục vụ sản xuất công nghiệp

     Trương Trọng Toại đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo sản phẩm Robot3T giúp tự động hóa một số công đoạn trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ đạt hiệu quả cao.
     Trương Trọng Toại (32 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) đã đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp – Startup Wheel 2017 toàn quốc, do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM vừa tổ chức.
      Sản phẩm Robot3T thuộc dự án khởi nghiệp của Công ty TNHH chế tạo máy 3C, do Trương Trọng Toại sáng lập vào năm 2014. “Sau hơn một năm làm việc về ngành bán dẫn cho một công ty robot thuộc thung lũng Silicon (Mỹ), năm 2009 mình xin được học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc để nâng cao trình độ rồi trở về VN thành lập công ty. Với đam mê về công nghệ, nghiên cứu robot, mình đã khởi nghiệp từ khi học năm thứ 3 đại học, với ước mơ cháy bỏng là đem lại những giải pháp mới về công nghệ để đáp ứng nhu cầu ứng dụng cho cuộc sống ngày một tốt hơn”, Toại chia sẻ.
       Theo Trọng Toại, Robot3T là hệ thống robot công nghiệp sáng tạo về cấu hình và giải pháp công nghệ, đáp ứng nhanh và linh hoạt về nhu cầu tự động hóa cho các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ. Khi áp dụng vào sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và tính ổn định của sản phẩm.
       “Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị hạn chế về khả năng đầu tư dây chuyền công nghệ của những thương hiệu lớn do chi phí quá cao. Trong khi đó, hai yếu tố cạnh tranh chính của Robot3T là giá thành rẻ hơn từ 40 – 60% so với các loại robot công nghiệp từ các hãng trên thế giới, kế đó là chi phí hợp lý về bảo trì. Yếu tố này đạt được là do mình không thiết kế một robot đa năng mà chỉ tập trung vào một số tác vụ cụ thể theo từng doanh nghiệp cần. Mặt khác, độ tin cậy của loại robot này rất cao, vận hành ổn định, tuổi thọ cao”, anh Toại phân tích.
Sau gần 3 năm hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến công ty của Toại đề nghị cung cấp giải pháp xử lý vấn đề mà doanh nghiệp họ đang mắc phải. Không chỉ vậy, vào cuối năm 2016, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM đã ký hợp đồng tài trợ cho công ty của anh Toại thực hiện sản xuất thử nghiệm 6 vật tư và phụ kiện cấu thành Robot3T trong thời gian 18 tháng nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghệ, sáng tạo cho TP.HCM.
        Ngoài ra, sản phẩm Robot3T còn được ký hợp tác với Viện Ứng dụng công nghệ (NACENTECH), trực thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghiệp từ tháng 6.2017 cũng như đã được phê duyệt vào Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM; dòng sản phẩm của Robot3T đang được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ xem xét tài trợ để mở rộng quy mô.
      “Đặc biệt, tôi đang triển khai xây dựng liên doanh với 2 đối tác châu Âu về chuyển giao các công nghệ tiên tiến về sản phẩm Robot3T để ứng dụng vào phục vụ các doanh nghiệp cơ khí vừa và nhỏ ở thị trường ASEAN”, Toại nói.
       Toại cho biết thêm Robot3T được nghiên cứu chế tạo thành công vào giữa năm 2015 và đến thời điểm này sản phẩm đã xuất khẩu tới trên 60 quốc gia và có mặt ở nhiều nước châu Âu, Mỹ.
      “Doanh thu của sản phẩm trong năm 2016 là 250.000 USD, năm 2017 hơn 550.000 USD. Tôi đang đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu của các sản phẩm Robot3T vào năm 2021 sẽ là 20 triệu USD. Và không có chỉ tăng về doanh thu mà tôi muốn thương hiệu Robot3T của VN được cả thế giới nhắc đến như các thương hiệu khác để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thế giới”, Toại kỳ vọng.
      Đánh giá về sản phẩm Robot3T, tiến sĩ Bùi Đức Vinh, giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Nếu như tôi đặt những sản phẩm tương tự từ nước ngoài thì thời gian thiết kế sẽ lâu hơn, giá thành cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Đó là chưa nói đến những mong muốn và yêu cầu của mình khi đặt ra chưa chắc họ đã hiểu một cách rõ ràng để thực hiện”.
Nguồn: Lê Thanh ( https://thanhnien.vn )